APOLLONIUS CỦA TYANA VÀ ĐỨC JESUS

Apollonius của Tyana

Đức Jesus

 

 Khác với đức Phật là một nhân vật lịch sử có tài liệu ghi chép với bằng cớ rõ ràng về thời điểm, lai lịch, thân thế, chi tiết đời ngài, đức Jesus tuy cũng là một nhân vật quan trọng về tôn giáo nhưng ta lại không có chứng cớ chính xác về những điều trên, không ai biết chắc ngày sinh của ngài, và các sử gia người La Mã hay Hy Lạp, Do Thái hồi đầu tây lịch không có lời nào về nhân vật tên Jesus, hay biến cố quan trọng nào của dân Do Thái - khi ấy đang bị La Mã cai trị - có liên can đến nhân vật ấy.
Lại nữa, cuộc đời đức Jesus không được ghi lại trong lúc ngài còn tại thế do những ai đồng thời với ngài, mà chỉ được làm vậy khoảng 200 năm sau khi ngài qua đời, do những ai không chứng kiến hành vi hay chính tai nghe lời giảng của ngài soạn ra. Vì vậy rất nhiều điểm trong đời đức Jesus chưa được làm sáng tỏ, và có thể không bao giờ làm được. Hệ quả là có một số tài liệu về ngài với chi tiết khác nhau. Ngoài ra còn có ý rằng không lâu sau khi qua đời, ngài đã tái sinh làm triết gia Apollonius tại Tyana. Với nhân vật sau, tài liệu lịch sử lưu lại có nhiều hơn so với đức Jesus tuy vẫn không hoàn toàn. Bài này xin trình bầy vài điều về hai nhân vật ấy.

I. Đức Jesus  (dựa theo quan sát của ông G. Hodson, sách Clairvoyant Investigations of Christian Origins and Ceremonial - 1977)
a. Diện Mạo:
Nhìn lại bằng thông nhãn thì ngài có tóc và mắt nâu, râu mép và râu cằm không dầy, và có thói quen là dường như lặng lẽ dõi mắt nhìn vào xa xăm, nhưng thực ra là chìm dắm vào nội tâm và minh triết. Da mầu nâu nhạt như rám nắng nhẹ. Vóc dáng rất thẳng người. Đôi khi thấy ngài đi bộ với cây gậy làm bằng gỗ cứng rất dầy, cao tới vai hay hơn một chút. Ngài đặc biệt yêu thích trẻ con và chúng quấn quít bên ngài.
Sự thù nghịch của hàng giáo sĩ ghi trong kinh thánh là điều có thật, và hết sức không may cho nhân loại, vì nó khiến đời ngài phải chấm dứt sớm. Nhiều phần trong kinh thánh là mô tả đúng thực lời ngài nói, chỗ ngài đến, phép lạ đã làm và việc chọn đệ tử của ngài, tuy cái chót được ghi lại thật thiếu sót. Ngài dạy cho đệ tử phần chân lý sâu xa gọi là Thông giáo Gnosticsm, Essene và đương nhiên ‘Theosophy MTTL’ theo trọn nghĩa của chữ.
Ngài giảng đạo gần như chỉ ở ngoài trời, và cho thí dụ cùng diễn giải theo đời sống thường nhật của dân chúng, như chuyện trong kinh thánh kể. Theo ông Hodson, thời gian ngài là vận cụ cho một đấng cao cả khác sử dụng là vào khoảng 100 năm trước tây lịch, khi ngài đi tới lui khắp vùng Palestine. Chữ ‘The Galilean – vị Galilee’ gọi ngài là rất đúng vì nhiều sinh hoạt của ngài tụ quanh biển Galilee, dù rằng ngài cũng đi khắp vùng Judea, an toàn ở nơi ngoài thành phố Jerusalem nhưng không an toàn lắm bên trong thành phố này và vùng phụ cận hơn quanh nó.

b. Cái Chết của Ngài.
Đoạn viết của thánh Paul là lời kể đúng thực về cái chết của ngài, là kết quả của việc đã sắp đặt trước, có sự tấn công bất ngờ bằng cách ném đá, rồi cái xác đem treo lên cây. Khi ghi lại quan sát như thế của mình, ông Hodson cho biết không muốn gạt bỏ hẳn câu chuyện đóng đinh thường được kể, vì chuyện ấy có giá trị về mặt thần bí tuy sai lầm về mặt lịch sử. Theo ông, ngài có thể tránh cảnh ném đá - thí dụ làm cho mình biến mất dạng - nếu không có một viên đá lúc ban đầu liệng trúng trán làm ngài bất tỉnh, rồi thảm kịch tiếp theo khiến nhiều việc ngài dự định làm phải bị hoãn lại về sau.
Thân xác ngài bị làm tình làm tội đủ điều mà các đệ tử không thể ngăn chặn được, và nhiều người trong nhóm còn bị đối xử tàn tệ do có liên hệ với ngài. Phụ nữ cũng có đó nhưng họ được khuyên tránh mặt khi cuộc đàn áp xẩy ra.
Nhân vật Jesus tả trong kinh thánh là sự trộn lẫn giữa con người có thực, và ẩn dụ về con người của bậc La Hán (bốn lần chứng đạo), phận sự của các ngài và việc tiến đến quả vị đạo sư (năm lần chứng đạo). Kinh thánh thực ra không chính xác, nhất là về thứ tự các sự việc và đôi khi là chỗ mà sự việc diễn ra. Người chép truyện chỉ thu thập chuyện nào còn nhớ lại, điều gì đã xẩy ra, các bài giảng và phép lạ đã làm, rồi sắp xếp cho có thứ tự. Vì vậy mà có nhiều sai lầm.
Ngài có xuất hiện cho các đệ tử phần nào giống như kinh thánh ghi, chính yếu là để tiếp tục mặt bí truyền và tinh thần của việc làm của ngài, trong đó có việc dẫn dắt đệ tử trên đường tinh thần tới chứng đạo, và chỉ dẫn họ mọi điều họ có thể làm cho nhân loại trong danh ngài. Họ đã dùng phương pháp và chỉ dạy của ngài, nhiều chuyện họ làm được gìn giữ, quí chuộng tới ngày nay. Sau đó, tới cuối thì những lần trở lại của ngài chấm dứt. Ông Hodson tin - tuy không thể đưa ra chứng cớ - là đức Jesus  quả thực đã tái sinh thành Apollonius ở Tyana, trong kiếp này hoạt động của ngài rất giống như kiếp làm Jesus. 

c. Nguồn Gốc Kinh thánh
Câu hỏi đặt ra là kinh thánh viết khi nào, ở đâu, ai viết và tại sao viết. Kinh thánh có thể được xem là do một nhóm người soạn ra, họ cảm thấy có bổn phận và cơ hội ghi lại cho nhân loại sự việc đáng chú ý trong thời của họ, là sự xuất hiện ngắn ngủi và một phần của một đấng Hóa thân - Avatar. Có việc dùng một xác thân làm vận cụ - là chính đức Jesus  - và sự cần thiết rất nghiêm trọng của việc xuất hiện này là xáo trộn do việc La Mã chiếm đóng Palestine, việc dân Do Thái sắp lưu lạc tứ tán khắp bốn phương trời mà vì thế, gần như chắc chắn là triết lý Kabbalah trong Do Thái giáo sẽ bị mất mát theo nghĩa rộng nhất.
Đông người chứng kiến và có thể mô tả lại sự giảng đạo, các phép lạ làm ra, bài giảng và việc ném đá nhẫn tâm và rất tàn ác đó. Nhiều năm trôi qua rồi có ý nẩy sinh là ghi lại những gì mà ai từng hiện diện lúc ngài còn sống có thể nhớ được. Các điều này sau đó được gộp thêm vào chuyện trong kinh thánh, nhất là trong ba sách là tổng hợp (sách thánh Luke, Mark và Matthew). Cuốn thứ tư (sách thánh John) - ta cần nhớ - là sách mô tả đúng nhất ngay từ đầu việc đấng Hóa thân Avatar - mượn xác, và đặc biệt những câu mở trước tiên của chương Một, trong đó sự hiện diện của Thượng Đế bên trong vận cụ được nhấn mạnh. (Trong một bài trước trên PST ta có ghi sách thánh John là lời thuật của bậc đã thành đạo, mô tả các chặng trên đường Đạo, nhìn sự việc với con mắt tinh thần khác với ba sách kia nên có giá trị đáng chú ý).
Kết quả của sự ghép nối nhiều lời kể là câu chuyện rất bất toàn, mỗi người ghi làm hết sức mình với các hồi nhớ, và chuyện được truyền từ đời trước tới đời sau về sự xuất hiện của đức Chúa. Tuy sau khi chết ngài có hiện ra bằng xác phàm cho các đệ tử và những ai chọn lọc khác, phần lớn lời giảng ghi trong các sách được đưa ra trong lúc ngài còn sống. Chỉ dạy có sau khi ngài chết có tính bí truyền cao, và nhiều phần của chúng không được ghi lại trong thánh kinh.
Vì có nỗ lực rõ ràng chẳng những muốn diệt bỏ ngài, chỉ dạy và tín đồ, mà còn muốn loại bỏ hết điều chi lưu lại, về sau một nhóm người tụ họp, chủ ý dựng nên ẩn dụ về cuộc đời một đấng có hứng khởi từ Thượng Đế, trong đó họ giữ lại tất cả những gì có thể thu nhặt và học được về lời dạy, cách hành xử và phép lạ của ngài, nhưng chưa phải là tất cả. Một số các phần này chứa trong sách khác và đặc biệt có ý nghĩa nếu hiểu đúng nghĩa.
Lúc đó là khoảng 50 năm sau khỉ ngài thiệt mạng, và nhân vật trong kinh thánh được cố tình tạo ra sao cho qua đó, cuộc đời và chỉ dạy của Chân Sư Jesus được giữ lại và trưng ra cho đời, đặc biệt là cho ai  ngoài Do Thái giáo. Rồi một số văn bản đã thu thập được mang ra khỏi nước, một phần để có an toàn phần khác để giúp soạn thành thánh kinh. Ông Hodson cho rằng các tài liệu này về sau được hoàn tất, hay gần như hoàn tất tại Alexandria lâu sau cái chết của nhân vật nguyên thủy là đức Jesus.
Sự khác nhau giữa những chuyện kể và nhiều sai biệt đủ loại được người giám thị đứng đầu cho giữ lại, để ngăn chặn tính chính thống cứng rắn không gì lay chuyển - một hy vọng không được thực hiện hoàn toàn - và để chừa chỗ cho sự suy gẫm và tìm hiểu.

d. Chỉ Dạy của Kinh thánh
Ai nghiên cứu và đối chiếu các tôn giáo, sẽ thấy rằng chỉ dạy trong kinh thánh chỉ là sự nhắc lại triết lý tinh thần từ ngàn xưa, trên thực tế là Theosophia MTTL. Ta không thể tìm ra chỗ nào trong sách, là đức Jesus thực sự giảng điều chi mà từ trước tới giờ chưa ai biết hay chưa có ai dạy. Thông giáo Gnosticsm hay Theosophia và Minh Triết huyền môn mà ngài có thể tiết lộ, tất cả được xếp thành lời ngài thốt ra, để làm sống lại vào lúc ấy và cho tương lai phần Minh Triết ngàn đời.
Ông Hodson nói nếu điều này đúng thực thì nhân vật Jesus của kinh thánh, trong bài giảng ở nhà thờ Thiên Chúa giáo thành kẻ rất khác lạ so với quan niệm được chấp nhận về ngài. Tuy nhiên quan niệm ấy có nhiều sai lầm dù không phải hoàn toàn sai. Điều có thể nói là nhiều chỉ dạy tuyệt vời gán cho ngài cũng như nhiều lời khác, được thốt ra vào những lúc khác nhau trong đời ngài.
Nhiều sự kiện được ghi phần nào trong kinh thánh về chuyện trước khi ngài sinh ra, và chuyện khi ngài chào đời, được lấy từ nguồn rộng rãi trong các ẩn dụ, huyền thoại có trên thế giới. Do vậy mà có sự tương tự với chuyện kể trong kinh sách thuộc các tôn giáo khác, nói về cùng sự việc (thí dụ cảnh chào đời của đức Krishna trong Ấn giáo) như thường có lời tiên tri và hiện tượng lạ lùng đi kèm.
Khó khăn trong việc nghiên cứu loại này là đức Jesus - như được trình bầy trong kinh thánh - không hề có thật theo hình thức đặc biệt ấy. Đúng hơn thì ngài và chuyện đời ngài nhân cách hóa cuộc đời của bậc Đạo đồ Initiate từ chứng đạo - initiation lần đầu tới lần thứ năm, nhất là giai đoạn lần thứ tư và thứ năm. Các chặng đường được ghi lại trong đời ngài có thể được liên kết với kinh nghiệm, sự phát triển, các thử thách cùng chuyện vượt qua chúng ở mỗi lần chứng đạo.
Điều cần nhớ là không chỗ nào hay phần nào ghi những chỉ dạy của đức Jesus, là điều hoàn toàn mới lạ cả. Các ý tưởng ấy luôn có đó, và tác giả kinh thánh và vài nơi trong các sách ngoài kinh thánh (Apocryphal) đặt chúng thành lời, khi họ nhân cách hóa việc người đạo đồ trải qua năm lần chứng đạo và xa hơn nữa. Quả thật tên khác nhau nhưng ý tưởng không có gì mới mẻ, và các phép lạ cũng thế, chúng chỉ biểu lộ những quyền năng mà vị đạo đồ phát triển và học cách dùng.

II. Apollonius của Tyana
Người đời sau gặp khó khăn với tài liệu về nhân vật Apollonius của Tyana vì một số lý do:
– Tài liệu do chính ông viết thì ngày nay ta chỉ biết nhờ các tác giả thời trước đề cập tới, trích dẫn, mà nay không còn, gồm thư trao đổi với các triết gia đồng thời, bài viết về các đề tài bí pháp (Mysteries), chiêm tinh học huyền bí, tiểu sử triết gia và nhà toán học Pythagoras.
– Tài liệu từ nhiều nguồn gồm các tác giả khác nhau, kéo dài ít nhất từ thế kỷ thứ hai sau tây lịch đến ngày nay, khen chê có đủ mà sự chính xác về mặt lịch sử và lòng vô tư không bảo đảm, do vậy mỗi chúng ta phải tự quyết định cho mình mức đáng tin của những tài liệu này.
Tác giả G.R.S. Mead là hội viên TTH, và là học giả có công trình nghiên cứu về tôn giáo được coi trọng, ông cũng là thư ký riêng cho HPB trong khoảng ba năm cuối đời bà. Phần dưới trích từ sách Apollonius of Tyana của ông - 1901.

a. Thân Thế
Người ta không rõ năm sinh của triết gia. Apollonius được cho là sinh trong khoảng từ năm 1 đến 15 sau tây lịch. Có nguồn ghi rằng như thế triết gia đồng thời với đức Jesus; tuy nhiên theo ông Hodson ở đoạn trên thì đức Jesus sinh vào khoảng hơn 100 năm trước tây lịch, do đó thuyết nói Apollonius là hậu thân của ngài cũng đúng lý. Ông người Hy Lạp, sinh tại Tyana nay thuộc vùng Cappadocia của Turkey trong một gia đình khá giả. Cha mẹ gửi ông đi học ở các nơi có tiếng hay đền thờ, tại các nơi này ông được học về triết lý gồm nhiều trường phái khác nhau, nhưng môn phái mà ông ưa thích nhất là của nhà toán học Pythagoras, và sống theo chỉ dạy của môn phái từ năm 16 tuổi trong đền thờ.
Ông tỏ ý lúc thiếu niên là muốn học thành y sĩ chữa bệnh, nên ăn chay từ đó, với lý do là thịt làm trì não trì trệ và thành không tinh khiết, và tin rằng loại thực phẩm tinh khiết nhất là sản phẩm của đất như rau trái. Apollonius cũng không uống rượu vì làm đầu óc vẩn đục và phá hoại tâm trí.
Mẹ ông qua đời trước rồi khi ông hai mươi tuổi, cha cũng từ trần để lại gia tài đáng kể cho hai anh em. Ông tiếp tục ở trong đền thờ tới tuổi trưởng thành, khi đó ông quay về nhà. Người anh nay đã phung phí hết phần thừa hưởng của mình, Apollonius mới san sẻ phân nửa gia tài của mình cho anh, khuyên can anh chấn chỉnh thói ăn nết ở. Dường như cũng nhân dịp này Apollonius thu xếp công việc nhà, vì ông chia phần lớn chỗ gia tài còn lại của mình cho thân nhân, chỉ giữ lại một số nhỏ cho bản thân, nói rằng mình chỉ cần rất ít tiền và sẽ không bao giờ lập gia đình.
Rồi ông nguyện tịnh khẩu năm năm, sau đó ông đi Antioch, kế tiếp Arabia, từ đền thờ, nhóm tu hay thánh điện này tới nơi khác. Dù đi ở đâu ông cũng theo một lề lối tu tập đều đặn, có nghi thức lúc rạng đông cho riêng mình, tiếp theo là thảo luận với giáo sĩ ở đền thờ hay vị trưởng nhóm tu. Bằng cách đó ông nỗ lực thanh lọc các giáo phái trong dân gian, mang chúng trở lại truyền thống thanh khiết cổ xưa, và đề nghị những cải thiện trong việc tu tập của nhóm tu.
Phần quan trọng nhất trong việc làm của ông là với ai theo con đường tinh thần, và ai đã xem Apollonius như vị thầy về nội tâm. Với những người này, ông để tâm tới họ nhiều, luôn sẵn lòng trả lời câu hỏi của họ, cho lời khuyên và huấn thị. Ông cũng không quên dân chúng, nhưng luôn luôn chỉ đến với họ và chỉ dạy vào buổi trưa. Như vậy, thông lệ của ông là sáng dành cho khoa học thiêng liêng, buổi trưa là chỉ dạy về đạo đức và đời sống thực tế. Xong xuôi việc trong ngày thì ông tắm nước lạnh, như là thói quen của người tu tập lúc bấy giờ.

b. Những Cuộc Du Hành
Sau đó Apollonius rời Antioch đi Babylon sang Ấn Độ tới Nepal, ngụ tại đây bốn tháng, nhiều phần là đến và ngụ trong tu viện Phật giáo. Khi quay về Babylon, ông đi tới những vùng gần đó như đảo Cyprus, bờ tây nam Turkey rồi các thành phố của Hy Lạp. Ông ở nước này ba năm, đi tới các đền thờ ở đây, cải tổ những nghi lễ và chỉ dạy giáo sĩ. Kế tiếp là đảo Crete rồi ông tới La Mã vào thời của hoàng đế Nero. Năm 66  Nero cấm không cho triết gia nào được ở lại Rome nên Apollonius đi Spain, có vẻ như ông chỉ ghé đây một thời gian ngắn rồi đi Phi châu, quay lại Sicily, đi tới các đền, thành phố chính ở đây, sau chót quay về Hy Lạp, bốn năm sau lấn đầu tiên tới nước này.
Nơi tiếp theo là thành phố Alexandria, từ đây ông đi ngược sông Nile và tới Ethiopia, quay về Alexandria, đi tới những nơi trong Ai Cập, Hy Lạp và cũng đến Ý. La Mã có những hoàng đế thay phiên nhau trị vì tại Rome, nên khi tài liệu ghi cuộc trò chuyện giữa Apollonius và hoàng đế Vespasian (69 - 79) vào đầu triều đại của người sau, thì ta có thể suy luận rằng ông đã dành vài năm tại Ethiopia. Năm 81 hoàng đế Domitian lên ngôi, Apollonius xem ông là bạo chúa và phản đối hành vi của ông, và bị hoàng đế nghi ngờ. Thay vì tránh mặt, Apollonius lại dấn mình tới Rome, bị đem ra xử nhưng được trắng án, thời điểm này được cho là khoảng năm 93.
Apollonius trở lại Hy Lạp, ở đó hai năm, đi Turkey tới những nơi ưa thích của mình và rồi mất dấu. Sách cho rắng ông qua đời khoảng năm 97 sau tây lịch, tại Ephesus, vùng Anatolia thuộc Turkey ngày nay, thọ 80 hay 90 hay có nguồn còn cho rằng ông thọ trăm tuổi. Hẳn ta phải ngạc nhiên về năng lực bất trị của triết gia và sức chịu đựng dãi dầu của ông.

c. Viếng Thăm Đền Thờ
Tài liệu ghi là Apollonius dành nhiều thì giờ ngụ trong các đền thờ, khi ấy xã hội có sự phân ranh chặt chẽ giữa thế tục và chuyện thiêng liêng, dân thường và hàng giáo sĩ, nên nhiều phần là sinh hoạt của ông trong các đền thờ không được ghi chi tiết, kết quả là đời sau không biết việc ông làm ở các nơi này. Về những chuyến đi xa của ông tới nơi thờ phượng ở chỗ xa lạ như Ấn Độ, Apollonius không tả lại hay nói gì về những điều ông mắt thấy tai nghe, nên ta cũng không biết ông đã thấy chuyện chi. Sách chỉ ghi rằng ông nói:
– Tôi thấy có kẻ sống trên trần mà không thuộc về nó, được che chở đủ bề mà không có sự phòng vệ nào, không sở hữu vật chi ngoại trừ điều mà ai cũng có.
Lời này không khó hiểu. Họ là trên trần mà không thuộc về cõi trần, vì trí họ hướng về cõi trên cao. Họ được chính quyền năng tinh thần bên trong che chở như ghi lại rất nhiều ví dụ trong kinh sách Ấn Độ; và họ không có gì mà sở hữu điều ai cũng có (là Phật tánh), nếu người sau chỉ cần phát triển phần tinh thần của mình. Dựa vào lời thư trao đổi giữa ông và tu viện tại Ấn, thì ông ghi rõ ràng là mình tứ Ấn trở về với sứ mạng rõ rệt và với phương tiện để thực hiện nó, là đem minh triết mà ông nhận được ở Ấn trở lại Hy Lạp. Vì chẳng những ông đã uống được bể minh triết - tức Theosophia - từ miệng những tu sĩ ở đạo viện - mà ông còn học được luôn cách trò chuyện với họ dù thân xác ông ở Hy Lạp và các nhà sư ở Ấn.
Trong lúc ở tại Athens, ông phản đối mạnh mẽ sự tàn bạo của trò giác đấu. Về đến thờ ở đây, chẳng những triết gia phục hồi các nghi thức cổ xưa của tôn giáo, ông còn chú ý nhiều đến truyền thống và tập tục xưa. Ông thúc giục người Spartan trở lại lối sống khi xưa của họ và được họ nghe theo, cũng như việc luyện tập thể dụ, sống đạm bạc, và kỷ luật xưa. Hơn thế nữa, ông đặc biệt ca ngợi việc tranh tài thế vận Olympic, với tiêu chuẩn cao vẫn còn được duy trì.
Tại Rome, triết gia tiếp tục việc cải tổ đền thờ, và được sự hỗ trợ của quan chức ở đó. Nhưng ở Ai Cập trong khi ai nấy ngưỡng mộ, lắng nghe lời ông, giáo sĩ tỏ ý không phục và hỏi chế diễu:
– Ai có đủ khôn ngoan để cải tổ tôn giáo của người Ai Cập ?
Apollonius trả lời đầy tự tin:
– Bất cứ hiền triết nào từ Ấn Độ tới.
Ở đây cũng như tại các nơi khác, Apollonius phản đối việc giết chóc để cúng tế, và tìm cách thay đổi như đã làm ở nhiều nơi là nặn hình của vật bằng hương liệu để thay thế. Có vẻ như Apollonius dành phần lớn hai mươi năm sau của đời mình ở Ai Cập, nhưng ta không biết ông làm gì trong các đền thờ thiêng liêng của vùng đất này. Điều ta biết là trong chuyến đi dài tới Ethiopia, không một thành phố hay đền thờ nào mà ông không ghé thăm, và mỗi nơi đều có trao đổi lời khuyên và chỉ dạy về chuyện thiêng liêng.
Ta có thể ngạc nhiên là sau khi cho ra phần lớn gia tài của mình, Apollonius lại vẫn có thể làm nhiều cuộc du hành tốn phí và lâu năm; nhưng có vẻ là thỉnh thoảng ông được các đền thờ chu cấp tiền, và đi tới đâu ông cũng được đền thờ hay đạo viện tiếp đãi chu đáo. Một trong các kết quả tốt đẹp của ông khi cải cách đền thờ là loại bỏ kẻ buôn thần bán thánh ở đây.  Đối với các triết gia chân chính, việc đòi tín dồ trả tiền cho nghi lễ cử hành dâng thần thánh là tội lỗi đáng trách nhất.

d. Làm Phép Lạ.
Apollonius không những là một triết gia theo nghĩa là người suy gẫm lý thuyết, sống theo một khuôn phép nào đó, mà còn là triết gia hiểu đúng nghĩa ban đầu của trường pháp Pythagoras - tức là người biết những điều huyền bí của thiên nhiên - và do vậy có tư cách khi lên tiếng.
Ông biết điều bí ẩn của thiên nhiên bằng mắt mà không bằng tai; vì đối với ông triết lý là sự sống mà người ta trở thành một phương tiện để tìm hiểu. Theo Apollonius, tôn giáo không phải chỉ là niềm tin, nó cũng là một khoa học. Với ông thì sự vật là sắc tướng không ngừng biến đổi; giáo phái rồi nghi thức, tôn giáo và niềm tin, tất cả đều là một đối với ông miễn là có phần  tinh thần đúng đắn ở sau chúng.
Triết gia không phân biệt sắc dân hay tín ngưỡng; các giới hạn hẹp hòi như vậy không phải là để cho triết gia. Trên hết thẩy, hẳn ông sẽ phá ra cười khi thế gian cho rằng ông làm phép lạ. Thời cổ không hiểu ‘phép lạ’ theo nghĩa thần học Thiên Chúa giáo hiểu về sau, vì chỉ có ai không suy nghĩ mới tin rằng người ta làm xáo trộn những luật của thiên nhiên mà thần thánh đặt để khi làm phép lạ - ấy là sự tin tưởng của ai chủ trương có phép lạ.
Phần lớn ghi chép về những điều kỳ diệu mà Apollonius đã làm là những trường hợp về tiên tri, thấy được chuyện xẩy ở nơi rất xa và thấy được quá khứ; thấy và nghe linh ảnh; chữa bệnh và trừ tà. Ngay từ khi là thiếu niên tại đền thờ ở Ege. Apollonius đã lộ ra dấu hiệu là chớm có khả năng tâm linh này, như có thể nhìn đúng quá khứ đen tối của một tín đồ giầu có mà không xứng đáng, muốn được chữa cho sáng mắt trở lại và tìm cách qua mặt ông.
Khi chuẩn bị cuộc du hành xa tới Ấn Độ, trả lời một người muốn dẫn đường cho ông vì họ biết tiếng của các nước sẽ đi qua, Apollonius bảo:
– Nhưng tôi hiểu lời họ hết tuy không học một ngôn ngữ nào.
rồi nói thêm:
– Đừng ngạc nhiên là tôi biết hết các ngôn ngữ của họ, vì tôi còn biết cả những điều mà họ không thốt ra.
Ông chỉ muốn nói giản dị là có thể đọc được tư tưởng người, mà không phải là ông có thể nói được tất cả các ngôn ngữ. Người đời chẳng những không hiểu ý của ông, mà cho rằng ông biết hết ngôn ngữ của loài người và hiểu luôn thú vật và chim chóc nói gì.
Trong lần trò chuyện với vua Vardan của Babylon, Apollonius cho biết rõ ràng là ông thấy được tương lai. Ông nói mình là y sĩ phần hồn, và có thể chữa bệnh tâm thần cho vua, bởi ông vừa biết phải làm gì - là lối sống dạy ở trường Pythagoras và những trường khác - mà cũng vì ông biết trước bản tính nhà vua. Apollonius học hỏi kỹ về thuật tiên tri, và đó là một trong những đề tài thảo luận giữa ông với các tu sĩ tiếp đãi ông ở Ấn Độ.
Sách ghi rằng Apollonius có được hiểu biết này nhờ Chân nhân, linh hồn của mình, phần tinh thần so với tính phàm của con người. Do đó Apollonius tức giận bác bỏ lời mà kẻ vô minh cáo buộc ông về huyền thuật bậc thấp như sai khiến tinh linh, hay xem ông như thầy tướng số. Apollonius không can hệ gì với các thuật ấy; nếu có thốt ra lời chi về tương lai thì ông cho hay đó không phải là lời tiên đoán theo nghĩa phàm trần, mà là do ‘sự minh triết Thượng Đế ban cho kẻ khôn ngoan.’
Đa số chuyện lạ lùng gán cho Apollonius là lời tiên tri, có khi nó có nghĩa bí ẩn mà chỉ sau khi việc xẩy ra người ta mới hiểu; khi khác nó thật rõ ràng như lần ông từ chối không đi con tầu về sau bị đắm. Việc thấy cảnh tượng ở nơi xa đang xẩy ra tự nó là bằng chứng, Apollonius tả một đền thờ ở Rome đang bị cháy vào lúc ông nói, cũng như năm 96 khi ở tại Ephesus - Turkey, ông thấy hoàng đế Domitian bị ám sát tại Rome vào đúng lúc ấy. Sách ghi ‘Ông thuật chuyện xẩy ra không phải như kẻ thấy hình ảnh trong gương, mà như là người thấy cảnh tượng đang diễn ra trước mắt mình, như ông đang dự phần vào chuyện’.
Domitian là bạo chúa, nên tuy đám đông mong đây là sự thực họ lại không dám tin mà cho là Apollonius điên rồi. Thế nhưng triết gia nhẹ nhàng đáp, ‘Bạn đúng lắm khi khoan vui mừng mà chờ đến khi có tin theo lối thông thường, nhưng tôi thì xin tạ ơn thần thánh về điều mà tôi đã thấy.’ Chuyện khác kể ông minh oan cho một người sắp bị xử tử chung với nhiều tội phạm khác, có vẻ như ông biết được quá khứ dấu kín của nhiều người mà ông gặp. Apollonius cũng được cho là đã làm một người sống lại lúc tình cờ gặp đám tang của họ.
Apollonius không vì thiên về nội tâm mà lãng quên thực tế cõi trần, một số trường hợp ghi là ông bác bỏ điều huyền hoặc mà giải thích hiện tượng thiên nhiên bằng nguyên do vật lý, thí dụ núi lửa bùng nổ, thủy triều.

Lối Sống
Apollonius theo sát kỷ luật của trường phái Pythagoras như ăn rau, không sát sinh để cúng thần linh mà dùng bánh mật ong và hương liệu, hát để ca ngợi các thần vì biết lời ca sẽ đến tai các ngài hơn cả trăm con bò bị giết tế thần. Đệ tử của Apollonius xem Pythagoras như bậc huấn sư cho hứng khởi, và qui tắc của nhà hiền triết như là luật, nhất là luật tịnh khẩu, còn chính Apollonius thì nói rằng Pythagoras không phải là người nghĩ ra những qui tắc ấy, mà đó là minh triết tự xa xưa và Pythagoras học được từ các tu sĩ Ấn Độ, và minh triết ấy đã lôi cuốn ông từ tuổi thiếu niên.
Trọn đời Apollonius cho thấy ông cố gắng sống theo qui tắc nói ở trên, lập lại nhiều lần là ông không dự vào sát sinh để cúng thần linh như thói quen dân gian và công khai lên án chuyện ấy. Ông thẳng thừng từ chối việc đi săn, vì lòng yêu thương loài thấp hơn cũng như tránh không gây đau đớn cho bất cứ sinh vật nào. Dầu vậy ông không áp đặt lối sống này của mình lên ai khác, nói với người dẫn đường trong những cuộc du hành rằng ông không cấm họ ăn thịt, uống rượu, chỉ có điều ông không làm vậy. Chẳng những thế, khi tới Ấn Độ gặp vì vua một xứ ngỏ ý muốn sống theo qui tắc như ông, Apollonius khuyến dụ vua đừng làm, với lý do sống theo lối ấy sẽ làm vua quá xa cách với dân.
Triết gia cầu nguyện và tham thiền ba lần trong ngày, sáng, trưa và chiều. Đây có vẻ là thói quen không thay đổi của ông. Đối tượng của sự thờ phượng này là ‘mặt trời’ hay Thượng Đế mà vầng dương là biểu tượng. Lời truyền tụng nói rằng ông có vóc dáng đẹp đẽ, cung cách luôn khoan hòa và nhẹ nhàng tuy thỉnh thoảng ông bừng lên phẫn nộ về điều chi đó kinh khủng. Đôi khí trầm ngâm và lặng thinh, triết gia suy tư miệt mài hồi lâu, mắt dán chặt xuống đất.
Như ta đã thấy, ông nghiêm khắc với chính mình nhưng luôn luôn khoan dung với người khác, không trách cứ ai đã bỏ ông chạy mất khi gặp hiểm nguy, và luôn sẵn sàng có hành động từ ái. Tuy sống đời khắc khổ, ông có thể chất mạnh mẽ và lúc 80 tuổi, sách ghi thân hình ông vẫn thẳng băng, mạnh khỏe, tứ chi đều đặn, có sự thu hút đặc biệt hơn khi trẻ tuổi. Có thể vì tánh tình thân ái và sự hiện diện có tính thu hút, mà chẳng lạ gì là Apollonius lôi cuốn được nhiều người theo lẫn đông học trò.
Họ ăn mặc như ông và sống theo cách của ông, họ cũng đi theo ông trong trong cuộc du hành, có lúc tới mười người cùng đi. Dầu vậy, nói chung thì thấy là Apollonius không lập ra một tổ chức nào riêng, mà làm việc với những gì đang có, và cũng không chuẩn bị ai kế nghiệp mình; ông đến rồi đi, trợ giúp và soi sáng, mà không lập trường phái với đường hướng riêng, vá có người tiếp tục việc của ông.
Điều đáng lưu ý là cả Pythagoras khi trước, và Apollonius sau này đều sang Ấn Độ trong đời, tiếp xúc với Phật giáo ở đó và mang giáo lý Phật giáo trở về Hy Lạp. Bài trình bầy về hai nhân vật đức Jesus và triết gia Apollonius dựa theo một số tài liệu, để giúp bạn có dữ liệu mà tự quyết định về sự liên hệ giữa hai người, do có ý nói rằng người sau là hậu thân của người trước.